Rất ưng một căn hộ chung cư diện tích khoảng 80m2 tại khu vực Nam Từ Liêm (Hà Nội) từ cuối năm 2022, chị Lê Khánh An (40 tuổi, Ba Đình, Hà Nội) sau đó quyết định không mua vì cho rằng mức giá hơn 3 tỷ đồng là đắt. Đến thời điểm cuối năm 2024, chị An ngã bật ngửa khi biết căn chung cư đó được chào bán giá hơn 6 tỷ đồng.

Còn với Trần Minh, 30 tuổi, làm việc trong lĩnh vực IT (Cầu Giấy, Hà Nội), anh thừa nhận không biết khi nào mới tích đủ tiền mua nhà khi chung cư chào giá 80 – 100 triệu/m2 mặc dù tự hào mình có thu nhập cao hơn hầu hết bạn bè – mức khoảng 2.500 USD/tháng. “Có lẽ mình vẫn trung thành với việc thuê nhà vì sở hữu một căn nhà đã vượt quá khả năng hoặc mình sẽ phải dùng đòn bẩy tài chính khá nhiều”, Minh chia sẻ.

Trong 2 năm qua, giá nhà đất, đặc biệt chung cư liên tục leo thang, bỏ xa thu nhập của người lao động, khiến cho việc sở hữu nhà ngày càng khó khăn.

Theo số liệu từ Savills Việt Nam, giá sơ cấp bình quân giai đoạn 2014-2023 của các căn hộ hạng A, B, C lần lượt tăng 16%, 10% và 11% mỗi năm. Trong khi đó, số liệu của Báo cáo Lao động việc làm từ Tổng cục Thống kê cho thấy, thu nhập bình quân của một lao động Việt Nam tăng từ 4,5 triệu đồng/tháng năm 2014 lên 7,5 triệu đồng/tháng năm 2022 – tương đương mức tăng 7%/năm, bằng một nửa so với tốc độ tăng giá sơ cấp của căn hộ.

Nếu tính mức thu nhập trung bình 7,6 triệu/tháng của người lao động Việt Nam, tính đến quý III/2024, ước tính mỗi hộ gia đình gồm 2 lao động phải dành toàn bộ thu nhập trong 21-23 năm để có thể mua một căn hộ loại C , diện tích 55-60 m2. Nếu tỷ lệ tiết kiệm ở mức 50% (làm ra ăn tiêu một nửa) thì số năm sẽ tăng gấp đôi, lên 42-46 năm.

Đặc biệt, thống kê cho thấy, giá bán các bất động sản biến động mạnh khi so sánh quý I/2023 so với quý IV/2024, cụ thể, chung cư tăng cao nhất 58%, tiếp sau đó là nhà riêng tăng 52%, biệt thự và đất cùng có mức tăng là 37%, nhà phố tăng 20%.

“Giá nhà 3-4 tỷ đồng gia đình còn cố vay mượn thêm để đổi nhà được, giờ lên đến hơn 6 tỷ và còn đang tiếp tục gia tăng thì việc mua nhà mới với gia đình mình là bất khả thi”, chị Khánh An thành thật chia sẻ.

Không chỉ giá nhà đất, các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống đều đã tăng nhiều lần so với cách đây 20 năm. Theo thống kê trên thực tế, trong giai đoạn 2000-2024, giá của một bát phở đã tăng 8 lần, xăng tăng khoảng 5 lần, vàng tăng 12,5 lần. Trong khi đó, GDP bình quân đầu người tại Việt Nam cũng tăng 9 lần, từ mức gần 499 USD/người/năm lên khoảng 4.600 USD/người/năm.

Trong bối cảnh giá nhà, giá vàng cùng hàng loạt sản phẩm thiết yếu liên tục tăng thì vẫn có những sản phẩm không hề tăng giá, thậm chí giảm nếu so với mức độ trượt giá hiện nay.

Chẳng hạn, giai đoạn năm 2000, người dùng phải bỏ ra khoảng 5 chỉ vàng mới mua được một chiếc máy giặt cửa trên. Trong khi đó, vào thời điểm này, chỉ cần bỏ ra chưa đến 1 chỉ vàng, người dùng đã có thể sắm một chiếc máy giặt cửa ngang với đầy đủ công nghệ tiên tiến nhất hoặc một chiếc TV 50 inch hoặc 1 chiếc tủ lạnh nhiều cửa.

Thực tế, hầu hết các sản phẩm điện tử, điện lạnh, điện gia dụng trong gia đình như TV, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt đều có xu hướng giữ nguyên hoặc giảm giá. Điều này có được chủ yếu do các hãng sản xuất làm chủ công nghệ ngày một tốt hơn, sản xuất số lượng lớn hơn để cung cấp ra thị trường.

Mức độ tăng giá một số mặt hàng phổ biến giai đoạn 2000-2024.

Việc các sản phẩm điện tử, gia dụng không tăng giá trong thời gian dài tưởng không liên quan nhưng đang góp phần giúp một lượng lớn người dân cải thiện chất lượng sống khi phải đối mặt với bài toán khó mua nhà.

Chẳng hạn với trường hợp của chị Khánh An, chị đã quyết định “làm mới” căn hộ diện tích 50m2 hiện tại của mình.

“Thay vì theo đuổi một căn hộ ngoài tầm với, tại sao tôi không cải tạo căn hộ hiện tại. Chỉ cần thay đổi một chút về thiết kế, thêm đồ trang trí, thay thế một số thiết bị gia dụng đã cũ, tôi sẽ có một căn hộ mới”, chị An chia sẻ.

Thực tế, xu hướng làm mới, cải tạo nhà cũ hay nâng cấp những căn nhà đi thuê để nâng cao chất lượng sống đang ngày càng được quan tâm, trùng với thời điểm giá nhà tăng cao tại Hà Nội. Theo ông Lưu Trung Kiên, Giám đốc đơn vị chuyên thiết kế và thi công nội thất và tủ bếp Flexfit, nhu cầu sửa nhà của khách hàng tại đơn vị này đã tăng 150% trong 2 năm qua.

Cùng với việc sửa nhà, nhiều người có xu hướng mua sắm mới hoặc thay các thiết bị gia dụng như TV, tủ lạnh, máy giặt, máy sấy để nâng cấp không gian sống.

Với chị Khánh An, chị cũng đã chọn xong thiết kế để “làm mới” ngôi nhà của mình gồm một số hạng mục như lát sàn mới, thay hệ thống kệ TV phòng khách và đặc biệt chăm chút cho không gian bếp để “có cảm hứng chăm sóc gia đình hơn”. Chị chọn mua một chiếc TV 65 inch mới, sắm một mẫu máy rửa bát và thay chiếc máy giặt đời cũ dùng gần 10 năm của mình chưa tới “một chỉ vàng” – một chiếc máy giặt cửa ngang EcoWash+ từ Casper với giá 7,5 triệu đồng.

Giá nhà tăng vọt, vợ chồng không ăn tiêu 20 năm mới mua được một căn chung cư - nhưng vẫn có những mặt hàng thiết yếu 20 năm không tăng giá- Ảnh 3.
Trên thị trường hiện có những loại máy giặt 10,5 kg chỉ từ 7 triệu đồng với bảo hành lên tới 20 năm
Ảnh: Thanh Tùng

Chị An tỏ ra khá bất ngờ khi chỉ với mức chi tương đương một tháng lương trung bình, chị đã có thể sở hữu một chiếc máy giặt cửa ngang 10,5 kg, sở hữu công nghệ giặt hơi nước SteamWash đầy đủ, có 16 chế độ giặt, có cả chế độ khóa trẻ em, còn tiết kiệm điện với mức tiêu thụ chỉ tương đương 168 đồng cho một lần giặt. Máy còn được bảo hành động cơ 20 năm.

Thay đổi không gian nội thất tạo cảm giác mới mẻ, mua sắm thiết bị mới phục vụ cuộc sống tốt hơn, chị An tỏ ra hài lòng với lựa chọn của mình. “Tôi đã có ‘nhà mới’ với tổng chi phí bỏ ra khoảng hơn 100 triệu đồng”, chị nói.

Trong khi đó, Trần Minh cho biết vẫn sẽ gắn bó với phương án thuê nhà nhưng vẫn sắm sửa đầy đủ đồ điện tử, gia dụng cần thiết để phục vụ cuộc sống để chờ đợi những cơ hội mới khi chưa thể mua nhà trong giai đoạn này.